Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước (tính đến 16h ngày 26/3/2025): Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 16 ca ho gà (01 ca tử vong), với đặc điểm chung là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đồng bào dân tộc Xtiêng và 15/16 ca chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà. Trong đó, huyện Bù Đăng ghi nhận 14 ca mắc (tử vong 01 ca), là địa phương đang có diễn biến gia tăng bệnh ho gà so với những năm trước đây; huyện Bù Gia Mập ghi nhận 02 ca mắc.
* Bệnh ho gà là gì ?
Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua đường hô hấp, hay gặp trong mùa đông và mùa xuân. Bệnh có thể diễn biến nặng gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi dẫn đến tử vong nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
* Những triệu chứng của bệnh ho gà: Có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: (kéo dài từ 1-2 tuần) bệnh có biểu hiện ban đầu giống như cảm lạnh, chảy nước mũi, sịt mũi, ho, hắt hơi, đau họng, sốt nhẹ và ho dần dần nặng hơn.
- Giai đoạn thứ 2: Bao gồm những cơn ho không kiềm chế được (cơn bộc phát) và tiếng thở rít (ở trẻ sơ sinh) khi hít thở. Trong những cơn ho mạnh người bệnh có thể bị ngạt, nôn ói hoặc mặt tím tái do thiếu không khí. Giữa những cơn ho người bệnh thường vẫn có vẻ khỏe mạnh, trong giai đoạn này trẻ sơ sinh có thể ngừng thở (không thở được) hoặc da tím tái. Hết đợt ho trẻ khạc ra chất nhớt màu trắng, trông giống như lòng trắng trứng gà. Giai đoạn ho này có thể kéo dài sáu tuần trở lên
- Giai đoạn cuối cùng là khi các triệu chứng dần dần cải thiện qua nhiều tuần, nhiều tháng
** Để chủ động phòng chống bệnh Ho gà Trung tâm Y tế thị xã Phước Long khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tốt các nội dung sau:
- Vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa chùi tay lên mắt, mũi
- Hạn chế tập trung nơi đông người
- Sử dung dung dịch sát khuẩn mắt, mũi, miệng hàng ngày (Natriclirid, nước xúc miệng, nước muối pha loãng)
- Đảm bảo nơi ở, làm việc, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, đồ dùng đồ chơi bằng các dung dịch tẩy rửa như xà phòng, javen…..
- Ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể
- Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm, đeo khẩu tranng khi tiếp xúc với người bệnh
- Điều trị dứt điểm viêm họng, viêm mũi
- Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách phòng bệnh tốt nhất.
Nguồn: Cn. Nông Văn Thọ - Khoa KSBT - HIV/AIDS, TTYT thị xã Phước Long